Có bao giờ bạn đã rơi vào những trường hợp khó chịu như: bạn bè nhờ vả chuyện bài tập; đồng nghiệp nhờ vả những công việc giấy tờ, văn phòng vụn vặt; bạn thân mượn một bộ váy đỏ mà bạn rất yêu thích hay đôi giày mới cáu mà bạn đang nâng niu; người bán vé số, hàng rong này nỉ bạn mua đồ của họ; hoặc phức tạp hơn là từ chối tình cảm của một người mà mình không hề muốn tổn thương đến họ…
Tại sao cần học cách từ chối
Bạn đã từng có cảm giác bản thân bận đến đâu, chỉ cần người khác nhờ vả, mời mọc, bạn sẽ lập tức buông ngay công việc đang làm; cho dù điều này sẽ đem lại cho bạn bao nhiêu phiền toái, không vui và phải trả giá đắt, bạn vẫn chấp nhận hết mà không hề có nguyên tắc.
Bạn là “người tốt” như vậy sao? Bạn có vì nhận quá nhiều nhiệm vụ vượt quá khả năng mà không xoay xở nổi? Cảm thấy mình không thể phân thân? Những hy sinh khiến người khác hài lòng này, có phải không hề khiến bạn thật sự cảm thấy hạnh phúc, vui vẻ?
Khi những câu hỏi này bày ra trước mặt bạn, có phải bạn cảm thấy rất mệt mỏi, khổ sở? Rõ ràng đã hy sinh tất cả vì người khác, nhưng cuối cùng vẫn không được hài lòng, càng không được công nhận.
Rõ ràng, đối phương nhờ mình làm, nhưng họ lại thoải mái được đằng chân lân đằng đầu, thật khiến người ta khó hiểu và khó chấp nhận!
Trên thực tế, nguyên nhân gây ra những điều này, chính là bạn không biết từ chối!

Có lòng làm người tốt, đương nhiên là việc tốt. Nhưng làm người tốt quá đà, thường sẽ khiến bản thân mình phải chịu áp lực lớn. Bạn phải biết rằng năng lực của mỗi người là hữu hạn, không thể làm được mọi việc.
Vì vậy, khi nhận nhờ vả, nhất định phải có sự chọn lọc, có thể chấp nhận thì vui vẻ chấp nhận, không thể chấp nhận thì dứt khoát từ chối. Đây mới là cách làm có trách nhiệm, mới thực sự là cách làm người tốt.
Tất nhiên, từ chối người khác không hề dễ. Trong đó, rất nhiều nhân tố ảnh hưởng: Hoặc là lo đắc tội với họ, hoặc là vì nể, hoặc là ngại nói chữ “không”…
Bất luận là nguyên nhân nào, kết quả chỉ có một, đó là miễn cưỡng tiếp nhận, để người khác vui mà khiến bản thân ấm ức.
Thật ra việc gì phải làm vậy? Cuộc đời bạn do bạn làm chủ, bạn có quyền lựa chọn và quyết định mình làm gì, bạn có thể nói “không” kia mà! Đây là quyền lợi của bạn.
Từ đó cho thấy, biết từ chối thật sự là một khả năng hiếm có. Chỉ người nào nắm được khả năng này, mới biết cách từ chối thế nào cho khéo hơn, từ đó tạo lập thế giới của riêng mình.
Nhưng đâu phải ai cũng biết biểu đạt để từ chối một cách lịch sự. Học cách vượt qua những khó xử vướn mắc trong lòng chính là một kỹ năng quan trọng mà thế hệ – Z cần nắm vững.
Những lời nhờ vả, đề nghị rắc rối thường gặp
Nhờ vả trong công việc, mời rượu bia trong cuộc nhậu.
Lời mời hẹn của một người mà mình không có tình cảm.
Mượn tiền, mượn xe hay phương tiện, đồ dùng cá nhân.
Lời tỏ tình từ một người mà mình rất trân trọng. Tù chối tình cảm đối phương mà không khiến họ tổn thương. Thực sự mà nói đây mới là kỹ năng đỉnh cao nhất, những việc từ chối liệt kê phía trên so với từ chối mà không làm ai đó tổn thương khó khăn hơn rất nhiều lần.

10 Cách từ chối tránh gây xung đột
- Cố gắng hiểu mục đích câu từ chối: Trước khi xây dựng mối quan hệ với người khác, bạn nên hiểu điều gì là quan trọng và điều gì thì không. Để thực hiện việc này, hãy lập danh sách những người, sự vật và sự kiện bạn muốn dành thời gian của mình.
- Đưa ra giải pháp: Cách dễ nhất để từ chối lời đề nghị là đưa cho người khác phương án giải quyết. Khi ấy, bạn vẫn là người hữu dụng mà lại không phải làm gì cả.
- Thể hiện sự thông cảm: Dù không thể giúp đỡ người khác, bạn cũng nên cho họ biết rằng bạn thông cảm với tình huống của họ. Điều đó sẽ khiến họ cảm thấy tốt hơn và câu từ chối cũng trở nên dễ chấp nhận.
- Từ chối lời đề nghị thay vì đối tượng: Đừng lo lắng rằng việc từ chối của bạn sẽ xúc phạm đến người khác vì bạn đang cố giữ mối quan hệ với họ. Bạn nên kiên quyết nói “Không” bởi người khác sẽ hiểu bạn thực sự không thể giúp đỡ.
- Giải thích lý do: Bạn không nên đưa ra lời giải thích dài và chi tiết, chỉ cần nói về hoàn cảnh tại sao bạn từ chối giúp đỡ. Có thể bạn đang vội vã, quá mệt mỏi, hoặc vì một số lý do khác.
- Luyện tập nói “Không”: Kỹ năng sẽ mãi là lý thuyết nếu bạn không luyện tập. Lựa chọn những tình huống đơn giản để tập nói “Không” sẽ giúp bạn tự tin hơn khi mở lời trong tương lai.
- Thêm lời khen vào câu từ chối: Bạn hoàn toàn có thể biến câu nói “Không” thành lời khen cho người đề nghị. Ví dụ: “Cảm ơn vì đã nhớ đến tôi”, “Tôi đánh giá cao việc bạn đã hỏi tôi trước”, hoặc chúc may mắn cũng là gợi ý tuyệt vời.
- Sẵn sàng với lựa chọn của bản thân: Chúng ta thường ngại từ chối vì sợ đánh mất cơ hội thú vị. Khi đó, bạn nên đưa ra lựa chọn khác để giảm bớt tính chất phản đối của câu nói.
- Kiên quyết khi bị nài nỉ: Một số người sẽ không muốn bỏ cuộc khi chưa có được sự đồng ý. Tình huống này thông thường xảy ra với người thân. Khi đó, việc bạn nên làm là lặp lại câu trả lời, thay vì mủi lòng buông xuôi.
- Không kéo dài thời gian trả lời: Ỡm ờ chỉ càng khiến câu từ chối của bạn trở nên khó nghe. Trong mối quan hệ dài hạn, từ chối thẳng thừng, rõ ràng sẽ lịch sự hơn nhiều.
Tóm lại: bạn hãy nắm rõ những quy tắc sau: “luôn chân thành, tôn trọng đối phương; hãy thẳng thắn không được lòng vòng; chú ý không phải những gì bạn nói mà là cách nói mới là yếu tố quyết định.”
Kết quả khi bạn đã làm chủ được cách từ chối là gì?
Nâng cao tự tin của bản thân, học được cách không làm mình thiệt thòi, cũng có thể thông qua việc học các kỹ năng từ chối, khiến mình dần dần trở thành người biết từ chối một cách có hiệu quả mà không làm tổn thương đối phương.
Nắm được một số kỹ năng từ chối, không chỉ giúp bạn có thêm càng nhiều kỹ năng đối nhân xử thế và tri thức trong giao tiếp, mà còn có được tinh thần độc lập tự chủ.
Chỉ cần sử dụng tốt quyền lợi từ chối, sẽ tạo ra được không gian riêng cho bản thân, làm chủ cuộc sống của mình.
Chúc bạn có thể vừa nói lên được lời từ chối, vừa giữ được sự tôn trọng từ phía người đối diện cũng như việc duy trì được các mối quan hệ tốt đẹp.
Có trích từ Biết từ chối chẳng lo thua thiệt – Cuốn sách của tác giả Li Jing, dịch giả Phạm Thị Hiền, Nhã Nam và NXB Thế giới phát hành.